KCN-KCX không có hệ thống xử lý nước thải tập trung: Có thể bị đóng cửa

Trong năm nay tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung là yêu cầu mà UBND TPHCM đặt ra. Thế nhưng, điều ấy có khả thi khi mà có đến 9/14 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung? 5 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh) đang xây dựng thêm nhà máy xử lý nước thải để phục vụ cho toàn khu Công Nghiệp, dự kiến giữa tháng 4-2006 hoạt động.

Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trong 9 KCN-KCX chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì chỉ mới có KCN Tân Bình đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hai KCN Tân Thới Hiệp và Cát Lái 2 mới có kế hoạch. Các KCN-KCX còn lại như Vĩnh Lộc, Bình Chiểu, Hiệp Phước, Tân Phú Trung, Tây Bắc-Củ Chi, Phong Phú, kế hoạch cũng chưa có.

Trong khi đó, các KCN-KCX đã có hệ thống xử lý nước thải thì hiệu quả hoạt động rất thấp. KCN Lê Minh Xuân, tuy đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải từ năm 2000 với công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm, nhưng công suất vận hành thực tế trung bình chỉ 1.600m3/ngày đêm và đang trong tình trạng quá tải.

Chưa kể hiện vẫn còn 51 doanh nghiệp không chịu đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà thải trực tiếp ra các kênh rạch gần đó. KCN Tân Tạo cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 6.000m3/ngày nhưng công suất vận hành chỉ có 2.500m3/ngày đêm.

Đã vậy, hệ thống này đang trong giai đoạn vận hành thử, chưa nghiệm thu nên hiệu quả xử lý chất lượng nước thải chưa cao. Các doanh nghiệp trong KCN Tân Tạo cũng không tuân thủ việc xử lý nước thải cục bộ tại nhà máy dẫn đến hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN quá tải.

Ngoài ra, hiện vẫn còn 34 doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và 22 doanh nghiệp tuy báo cáo đã đấu nối nhưng cần kiểm tra lại tính xác thực. Riêng KCX Tân Thuận, hệ thống xử lý nước thải tập trung đã đi vào hoạt động ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt loại B, nhưng theo thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vẫn chưa đạt (Bộ yêu cầu nước thải sau xử lý phải đạt loại A).

Kết quả kiểm tra đột xuất vừa qua của thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại các KCN-KCX như Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái 2, Tây Bắc-Củ Chi cho thấy, trong số 48 mẫu nước thải đã qua xử lý, có đến 45 mẫu phân tích không đạt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ các chất như BOD, COD vượt tiêu chuẩn cho phép gần 10 lần…

Xử lý mạnh tay hơn!

Lý giải thực trạng trên, nhiều công ty đầu tư cơ sở hạ tầng than rằng do chưa có vốn đầu tư. Tuy nhiên, một cán bộ Ban quản lý KCX-KCN cho biết, đối với những KCN-KCX đã đi vào hoạt động thì đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng đã tính tiền đầu tư hệ thống xử lý nước thải vào trong giá đất cho doanh nghiệp thuê xây dựng nhà xưởng. Vì vậy, lý do trên là hoàn toàn không hợp lý.

Đối với những KCN chưa đi vào hoạt động, chưa có doanh nghiệp vào thuê đất thì việc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải cũng không ổn. Bởi lẽ Quyết định 62 mà Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành đã quy định các KCN phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Hơn thế, UBND TPHCM đã thành lập Quỹ kích cầu nhằm hỗ trợ vốn cho những đơn vị cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hiện vẫn chưa có đơn vị nào lập phương án vay. Điều này cho thấy các đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng KCX-KCN cố tình chây ì, không chấp hành chủ trương của thành phố.

Để chấm dứt thực trạng này, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, sở sẽ đề xuất lên UBND TP sửa đổi Quyết định 76 (KCX – KCN lấp đầy 70% công năng mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung), đồng thời ra thông báo phổ biến quyết định 62 của Bộ Khoa học và Công nghệ cho các đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng tại các KCX-KCN.

Mặt khác, sở sẽ phối hợp với Ban quản lý KCN-KCX, Sở Công Nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố thành lập tổ công tác xuống kiểm tra tình hình thực hiện Luật Môi trường tại các KCN-KCX. Trên cơ sở đó, tìm ra nguyên nhân đồng thời tháo gỡ những khó khăn khiến cho những đơn vị đang vướng mắc. Đơn vị nào thiếu vốn đầu tư phải có phương án vay vốn vào đầu tháng 4-2006.

Ngoài nguồn Quỹ kích cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ sử dụng nguồn Quỹ xoay vòng để hỗ trợ vốn đầu tư cho các đơn vị với mức vay cao nhất là 6.000 USD/trường hợp. Kiên quyết xử lý những đơn vị cố tình viện lý do không chấp hành Quyết định 62, buộc các đơn vị này khởi công xây dựng thệ thống xử lý nước thải tập trung vào đầu tháng 5-2006 và cuối tháng 11-2006 phải đi vào hoạt động.

Tổ công tác sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện của các đơn vị, sẽ xử lý mạnh tay, thậm chí đóng cửa đơn vị nào cố tình không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm xả thải ngày càng tinh vi của các doanh nghiệp.

Share